Tớ dám chắc chúng ta chẳng lạ gì với cụm từ “Nghệ thuật thứ 7” mà vtv 3 hay ra rả những ngày xưa. Nghệ thuật thứ 7 dùng để chỉ bộ môn Điện ảnh, và cũng có nghĩa rằng ra đời trước nó là 6 bộ môn nghệ thuật nữa. 7 bộ môn này gồm những gì thì vẫn nằm trong tầm tranh cãi, hoặc do tớ chưa tìm hiểu kĩ, nhưng chắc chắn không bao gồm Nhiếp ảnh.
Tớ cũng từng thắc mắc liệu nhiếp ảnh có phải là nghệ thuật?
Peter Lik. Phantom. 2013?
Có khá nhiều tranh cãi của cả tây và ta xung quanh vấn đề này, vì có những kẻ muốn phân định rõ ràng mọi thứ, và những kẻ ham hố danh hiệu nghệ sĩ. Dù sao, kết quả của những cuộc tranh luận này cuối cùng vẫn là ai nghĩ sao thì nó như vậy. Nói rằng nhiếp ảnh là nghệ thuật, rõ ràng nhiếp ảnh đủ tiêu chí để được gọi là nghệ thuật. Nhưng nếu muốn nói rằng nhiếp ảnh không phải nghệ thuật, người ta cũng chẳng thiếu lý do để hạ bệ nó.
Nhưng để nói về nghệ thuật, thật ra có một thực tế rất phũ phàng rằng tác phẩm của anh chỉ được coi là nghệ thuật khi công chúng công nhận. Hãy nhìn vào hội họa, không thiếu những họa sĩ mà bây giờ chúng ta gọi là thiên tài, vì bây giờ chúng ta hiểu tranh của họ, và chúng ta gọi đó là nghệ thuật, còn thời điểm bức tranh được vẽ thì cho chẳng ai lấy, bán chẳng ai mua. Ở nhiếp ảnh không cực đoan đến thế, nhưng tớ dám chắc một bức ảnh rất bình thường của một nhiếp ảnh gia nổi tiếng cũng được nhiều người cho là nghệ thuật hơn một bức ảnh rất tuyệt của một người bình thường.
Ansel Adams. Snake river. 1942
Vậy thì, liệu nhiếp ảnh có cần được gọi là nghệ thuật hay không? Như các môn nghệ thuật khác, nhiếp ảnh không cần, và chúng ta cũng không cần. Điều cần làm là hãy chụp những gì mình thích, chụp bằng trái tim của chúng ta. Van Gogh vẽ tranh không phải để người khác ca ngợi, ông vẽ tranh vì tình yêu dành cho hội họa. Chúng ta có thể không có được thành công như Van Gogh, nhưng trong số 7 tỉ người trên trái đất và hơn thế nữa, chắc chắn sẽ có những người thích ảnh của chúng ta, tớ cho rằng như thế là đã đủ thành công.
Cuối cùng, tớ muốn chúng ta hãy đừng quan tâm tới việc ảnh của mình có phải nghệ thuật không, vì xét cho cùng đây cũng chẳng phải việc của mình.
Andreas Gursky. Rhein II. 1999
“Đừng tự lừa mình rằng chỉ những thứ được làm ra nhân danh nghệ thuật mới là những thứ đẹp” – David Campany.