Thiên hạ hay kháo nhau rằng nếu cậu không muốn thụt lùi thì phải liên tục tiến lên. Tớ thì ít trải đời, không biết liệu đây có phải chân lý hay không, nhưng tớ cũng muốn nói thế với những người chơi ảnh tự gọi mình là “chân chính”.

Để nói về vấn đề này thì có nhiều kiểu người.

Kiểu thứ nhất tớ thường thấy hơn, đấy là kiểu chúng ta gặp hàng ngày quanh các diễn đàn, hội nhóm nhiếp ảnh trên mạng. Kiểu người này chơi ảnh rất nhiệt tình, thường up một lô một lốc ảnh lên mạng không cần chọn lọc mỗi khi chụp xong, tráng film xong. Và thường thì chẳng có ảnh nào đáng để nói riêng, bộ ảnh cũng rời rạc về nội dung dù trông “có vẻ” liên quan. Nói không ngoa, tớ thấy ảnh cũng như người, rất hời hợt, đại khái, dù cho nhà nhiếp ảnh đó có bỏ bao nhiêu công sức để chụp bộ ảnh. Ví dụ như anh ta dày công leo đỉnh Phan Xi Păng, bỏ nhiều ngày để tiếp cận một nhân vật nào đó, nhưng lại chụp qua loa những bức ảnh chung chung, vô thưởng vô phạt, vô tư và vô cảm. Anh ta chơi ảnh, nói rằng mình yêu nhiếp ảnh, nhưng anh ta không thực sự tìm tòi và trân trọng những khoảnh khắc mình nắm giữ.

Kiểu thứ hai thì không nhiều. Có thể các cậu từng nghe đâu đó trên báo đài về những nhiếp ảnh gia chuyên chụp chân dung người dân tộc, chuyên chụp lưới, chuyên chụp ruộng bậc thang, … v.v … Đó là cách báo đài nói, còn vì đây là nơi tớ được lộng ngôn nên tớ sẽ thay từ “chuyên chụp” bằng “chụp đi chụp lại”. Đừng hiểu nhầm, tớ không miệt thị ảnh của họ, ngược lại tớ đánh giá cao rất nhiều bức của họ, tớ chỉ rất lấy làm tiếc vì họ đã ngủ quên trên vinh quang quá lâu. Để lấy ví dụ rõ ràng, vài năm trước chắc hẳn ai chơi ảnh cũng biết đến một anh Tây tên Réhahn chụp chân dung người dân tộc thiểu số nước ta, xét cho cùng ảnh của anh ta nắm bắt thần thái của họ rất tốt, phối màu không kém và anh ta thực sự có tài dù chỉ chơi ảnh nghiệp dư. Chỉ có điều nhiều ảnh quá, nhiều đến mức ngấy, nhìn thấy là y như rằng tớ chóng mặt. Báo nói giờ anh ta sở hữu tới bốn vạn bức ảnh, anh ta chụp nhiều thế làm gì, có người bảo tớ anh ta thích kệ anh ta, nhưng tớ đồ rằng cũng có phần do sự đón nhận nhiệt tình của công chúng thời gian đầu khiến anh ta ngủ quên trên đỉnh vinh quang. Dù lý do là gì đi nữa, tớ cũng vẫn sẽ sử dụng từ “chụp đi chụp lại” thay vì “chuyên”. Còn cả mấy ông chụp lưới, ruộng bậc thang, cởi chuồng,..

Tựu chung, tớ không thấy sự khác biệt giữa kiểu người thứ nhất và thứ hai, có chăng chỉ là những kẻ may mắn, tài năng thiên bẩm hơn nhau. Trong mắt tớ họ là những người không muốn tiến về phía trước. Rất có thể ngày nào đó, sẽ có những người giống như tớ đồng lòng nói lên rằng chúng tớ chán sản phẩm của họ lắm rồi, dù cho sản phẩm ấy đẹp đẽ tinh xảo đến mấy đi nữa, rằng những thứ ấy chỉ nên để dành làm tư liệu, vì tư liệu thì khô khan nhàm chán cũng chẳng sao cả.

Nếu trong giây phút nào đó họ muốn tiến về phía trước, tớ muốn khuyên họ hãy liên tục làm mới bản thân, liên tục tìm tòi cái mới mẻ và những nguồn cảm hứng khác lạ, hãy làm những điều mình chưa bao giờ làm, hãy làm những điều chưa ai làm. Đó là cách duy nhất để đi lên đỉnh cao, và giữ mình luôn ở đỉnh cao..

À quên, hãy học cách sợ ảnh của mình nữa! Thật đấy, không thấy sợ đống ảnh cũ thì khó mà chụp ảnh mới lắm!

À quên nữa, tớ cũng mong một ngày người ta chỉ up ảnh qua chọn lọc lên những group nhiếp ảnh tớ tham gia. Tớ là Đức, tớ cũng phát xít như Đức năm 1943, tớ mà là admin các group ấy, tớ xóa, xóa hết ảnh xấu, ảnh lưu niệm, ảnh thử nghiệm, … ý kiến ý cò cho nói 1 mình. Phải phát xít thế chứ, dân trí thấp mà để cho dân chủ thì ngang với phá hoại.

Còn một kiểu người nữa, ấy là kiểu chụp ảnh bằng mồm, chụp thì ít mà nói thì lắm. Nhưng thôi, chửi thiên hạ chứ thằng điên nào lại đi chửi mình, nhể?