Nhiếp ảnh rất hay ở chỗ, nó là sự kết hợp giữa khoa học kỹ thuật và nghệ thuật thị giác. Cũng vì dính líu đến thứ gọi là nghệ thuật, mà không lạ khi giới hưu trí, giới amatơ và giới yêu thích (wannabe) hay sử dụng thuật ngữ “hồn” trong nhiếp ảnh.
Có thể do năng khiếu có hạn, cộng với lười tìm hiểu mà tôi chắc còn lâu nữa mới rõ “hồn” là cái gì.
Tháng này Cô Hồn, có lẽ hai chữ hồn này giống nhau, tôi đồ rằng “hồn” của ảnh cũng giống như Hồn của Cô, là thứ mà người ta không sờ thấy, không nhìn thấy, nhưng lại cảm thấy(?)
Vì vậy theo những tính toán khoa học của tôi, thứ được gọi là “hồn” trong nhiếp ảnh, là thứ mà chúng ta cảm thấy khi xem một bức ảnh, đó có thể là cảm xúc vui, buồn, thư thái, hoài niệm (nostalgia), tức giận, vân vân và mây mây. Bức ảnh có hồn là bức ảnh anh nở một nụ cười cùng với ngón trỏ gạt nước mắt khi xem, hay đôi khi anh cay cú muốn xé tan tờ giấy, đập nát màn hình, ngược lại bức ảnh vô hồn là bức ảnh anh không lai se com men.
Đến đây lại rắc rối, anh em mình có thể không, nhưng giới học triết trường tôi sẽ đặt câu hỏi “vậy hồn nằm ở bức ảnh, hay hồn nằm ở người xem, chứng minh mối quan hệ biện chứng giữa người xem và bức ảnh.” Tôi chỉ chửi “đm con điên” thôi, nhưng chắc sẽ có đứa bảo nằm ở bức ảnh, đứa khác bảo nằm ở người xem. Tôi thì nghiêng về thằng bảo “nằm ở người xem” hơn.
Giả sử tôi nói đến đâu đúng đến đấy, phóng đôi mắt tuệ đến đâu mọi sự tỏ tường như giữa ánh ban trưa. Thì tôi lại tiếp tục, hồn của bức ảnh nằm ở trong mắt người xem. Có ông mỹ học (chúng ta từng gặp một ông mỹ học, không đáng tin đâu) nói là “Cái đẹp nằm trong mắt kẻ si tình”, nghe thơ lắm, nhưng giờ bọn khoa học chúng nó chứng minh được là ông sai rồi, mặc dù vậy, tôi cũng không tin bọn khoa học khi chúng nói về nghệ thuật, nên tôi đành tin ông.
Tôi đã chứng minh “hồn” của ảnh nằm ở người xem, có thể hiểu là ảnh nó vẫn là ảnh, chả hơn gì đống giấy lộn với ít mực màu dính lên, còn cảm thấy gì từ đống giấy lộn, phải do thằng xem ảnh có làm sao không. Ví dụ nó mới chia tay người yêu, xem phim “The notebook” khéo khóc như một con đàn bà, nhưng một ông nhõi chưa dậy thì xem phim đen thì chỉ hỏi chúng nó đang làm gì thế thôi.
Chính thế, trong giới tâm linh, gọi được hồn thì anh phải là người có căn cơ, nợ trời nợ đất, thì trong nghệ thuật, cảm được hồn anh phải có năng khiếu, mà năng khiếu mỗi người mỗi khác, không phải hơn gì nhau, mà chả liên quan gì đến nhau, tức là anh A “cảm” được bức “vô đề 01” mặc dù chả có cái gì trên đấy ngoài cái khung tranh, anh B không “cảm” được, nhưng anh B lại “cảm” được bức “bầu vú người mẹ” sặc sỡ màu sắc, chi tiết khéo léo tuyệt vời, anh A bảo bức bầu vú là đồi trụy, anh B bảo mày ngu như chó.
Để nói về cái “hồn” này, không gì đầy đủ bằng câu “thiên biến vạn hóa”, hồn của nghệ thuật, cũng như bất cứ cái gì của nghệ thuật, không có công thức áp dụng, không thể học bằng câu chữ, mà phải học bằng trái tim (nghe chưa bọn khoa học, làm cái gì cũng phải chắc cốp cẩn thận từng phép tính như chúng mày biết gì về nghệ thuật mà phát biểu liều).
Phần quan trọng là ở đây, bằng bố cục quy nạp, tôi đã tổng phân hợp được rằng không ai có thể, hay có quyền đánh giá bức ảnh vô hồn hay có hồn. Vì như đã biết, mỗi người có cách cảm nhận tác phẩm khác nhau, dựa vào sở thích, kỷ niệm, trải nghiệm, … ông chẳng biết gì về người ta, thì hồn mà ông cảm được, cũng chẳng giống hồn người ta cảm được.
Đào sâu hơn chút nữa, trừu tượng hơn chút nữa, mỗi người có cái nhìn về “hồn” khác nhau, thậm chí định nghĩa cũng khác nhau, nó là biến số trong xã hội, chỉ chẳng biết ông nào vơ tất cả về rồi gọi chung là “hồn”. Anh A lại bảo bức “vô đề 01” có hồn, anh B vẫn bảo mày ngu như chó. Hồn tồn tại mà như không tồn tại, vậy hồn liệu có tồn tại khi chính việc tồn tại của hồn là một điều vô lý(?!). Rắc rối quá, tôi còn chả hiểu, mấy lần tôi viết nhầm “H” thành “L”.
Chốt lại là gì, tôi chỉ muốn nói cái thứ gọi là “hồn” nó chẳng có thực đâu, ví dụ nó có thật thì chúng ta cũng chẳng cần quan tâm làm gì, ta cứ làm cái gì trái tim ta mách bảo, nếu một trái tim khác thổn thức khi xem tác phẩm của chúng ta, chúng ta sẽ có thêm một người vợ, hoặc ít ra thêm một thằng bạn(!).
Tại sao tôi lại nói đến cái thứ luẩn quẩn này, tại vì dạo gần đây tôi hay thấy anh em mới chơi ảnh bị bọn amateur lòe với cái định nghĩa “hồn”, “cảm xúc” của chúng nó, chúng nó đến từ tinh tế, voz, …v.v… bọn mà review camera điện thoại, tranh cãi nhau khẩu độ 1.8 với 1.9, chả khác gì nhau, rồi chụp ảnh up instagram mà muốn nâng cấp máy để được 13 megapixel(?)
“bức số 3 thiếu một chút (h)ồn trong cô gái bác ạ” (L)
“Bức số 8 bác chụp tốt, nhưng bầu trời thiếu ‘cảm xúc’ quá bác ạ”
….. vân . vân … và … mây . mây …..
Làm ơn, đừng cao siêu quá, hãy cứ chụp những gì thân thuộc với mình..